Bản tin pháp luật tháng 11/2020

Nội dung chính:

  • Các văn bản hướng dẫn về:
  • Chính sách mới;
  • Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”);
  • Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế.

CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:

  • Chính sách mới
  1. Thông tư số 105/2020/TT-BTC ngày 3/12/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế và cấp mã số thuế

Thông tư quy định chi tiết về đối tượng đăng ký thuế; cấu trúc mã số thuế và hồ sơ, biểu mẫu, thủ tục đăng ký thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Theo quy định mới tại Điều 4 Thông tư, các công ty bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, luật sư, công chứng hoặc lĩnh vực khác không thuộc diện đăng ký doanh nghiệp thông qua cơ quan ĐKKD thì phải đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử có trụ sở ở nước ngoài; văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức nước ngoài; chủ dự án ODA; tổ chức, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập tại Việt Nam… cũng phải đăng ký thuế và xin cấp MST.

Ngoài ra, Thông tư này quy định “mã số đơn vị phụ thuộc” đồng thời cũng là MST của đơn vị phụ thuộc đó (Điều 5).

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/2021 thay thế Thông tư số 95/2016/TT-BTCngày 28/6/2016; Điều 9 Thông tư số 156/2013/TT-BTCngày 06/11/2013.

  1. Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn chứng từ

Các Nghị định về hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử loại cũ gồm Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2022.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP vẫn không bị bãi bỏ, chỉ gỡ bỏ 2 điều khoản gồm Khoản 2 và Khoản 4 Điều 35 liên quan đến hiệu lực của Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP .

Tương tự như Nghị định 119/2018/NĐ-CP, quy định về chuyển tiếp của Nghị định này cũng cho rằng trong khoảng thời gian từ nay đến trước ngày 30/6/2022, nếu cơ quan Thuế buộc đơn vị nào sử dụng hóa đơn điện tử loại mới thì đơn vị đó sẽ phải áp dụng.

Các doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn từ nay đến trước 30/6/2022, nếu cơ quan Thuế không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử loại mới thì vẫn có thể sử dụng hóa đơn điện tử loại cũ hoặc hóa đơn giấy tự in như trước đây.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2022.

  1. Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Nghị định này vẫn giữ mức trần khống chế chi phí lãi vay 30% theo như trước đó tại nghị định số 68/2020/NĐ-CP.

Về khái niệm “giao dịch liên kết”, ngoài những định nghĩa như trước đây tại nghị định số 20/2017/NĐ-CP, nghị định này có thêm một định nghĩa mới. Theo đó, nếu doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng hoặc nhận nhận chuyển nhượng ít nhất 25% vốn hoặc cho cá nhân đang điều hành doanh nghiệp đó vay ít nhất 10% vốn góp góp chủ sở hữu thì cũng bị xem là có giao dịch liên kết

Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong việc xác định các giao dịch liên kết, nộp tờ khai theo mẫu của Phụ lục I, II, III đính kèm nghị định này cùng với Tờ khai quyết toán thuế TNDN, đồng thời lưu giữ các hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết.

Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2020 thay thế nghị địnhsố 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 và nghị định số 68/2020/NĐ-CP ngày 24/6/2020.

  1. Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu

Nghị định quy định lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu kể từ năm 2021.

Theo đó, năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 3 tháng (tăng 3 tháng so với trước) và của nữ là 55 tuổi 4 tháng (tăng 4 tháng).

Các năm tiếp theo được tính theo nguyên tắc: mỗi năm tăng thêm 3 tháng (với nam) và 4 tháng (với nữ) cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 (với nam) và đủ 60 tuổi vào năm 2035 (với nữ).

Xem bảng lộ trình tăng dần tuổi hưu cho lao động bình thường tại khoản 2 Điều 4.

Riêng những lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc bị suy giảm từ 61% khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi. Lộ trình tăng tuổi hưu dành riêng cho những lao động này được quy định tại khoản 2 Điều 5.

Về tuổi nghỉ hưu muộn hơn, tùy thuộc sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động (Điều 5).

Việc đối chiếu tháng, năm sinh tương ứng với tuổi nghỉ hưu theo lộ trình được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục I, II Nghị định này.

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.Thay thế Điều 6, khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 11 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015; Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015; Điểm a, b khoản 1 Điều 8, khoản 3 Điều 9, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016.

  • Thuế Thu nhập cá nhân
  1. Lao động nước ngoài cũng được nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 2020

Theo công văn số 4590/TCT-DNNCN ngày 28/10/2020 của Tổng cục Thuế có nêumức giảm trừ gia cảnh (khi tính thuế TNCN) hiện đã được nâng từ 9 lên 11 triệu đồng cho bản thân và từ 3,6 lên 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc (NPT), áp dụng kể từ tháng 1/2020 (Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14)

Quy định nêu trên áp dụng cho cả người lao động trong nước và lao động nước ngoài đáp ứng điều kiện là cá nhân cư trú trong năm.

Theo đó, trường hợp chuyên gia nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, có kỳ tính thuế kéo dài từ năm 2019 sang năm 2020 thì các tháng của năm 2019 được giảm trừ bản thân 9 triệu, mỗi NPT 3,6 triệu và các tháng của năm 2020 được giảm trừ bản thân 11 triệu, mỗi NPT 4,4 triệu.

  1. Lương, thưởng, trợ cấp… trả sau khi kết thúc HĐLĐ phải chịu thuế TNCN 10% 

Công văn số 99060/CTHN-TTHT ngày 13/11/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc khấu trừ thuế TNCN sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Phần tiền lương, tiền công, trợ cấp… nếu được chi trả sau khi đã chấm dứt hợp đồng lao động thì phải khấu trừ thuế TNCN với tỷ lệ 10% theo quy định tại tiết i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

Theo đó, trường hợp sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty mới thanh toán các khoản lương, thưởng, trợ cấp thì phải khấu trừ thuế TNCN 10%, không được áp dụng biểu lũy tiến.

Ngoài ra, người lao động đã nghỉ việc phải tự quyết toán thuế vào cuối năm (nếu thuộc diện phải quyết toán), không được ủy quyền cho Công ty quyết toán thay.

Về các trường hợp miễn quyết toán thuế TNCN, tham khảo quy định tại điểm d.3 khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

  1. Phí cách ly COVID trả thay cho Tổng giám đốc được hạch toán nhưng phải tính thuế TNCN

Công văn số 97748/CT-TTHT ngày 10/11/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội có nêu trường hợp Công ty có chi trả chi phí cách ly cho Tổng giám đốc người nước ngoài sang Việt Nam trong mùa dịch thì khoản chi này được cho là chi phúc lợi và được hạch toán theo hạn mức 1 tháng lương bình quân nếu đáp ứng điều kiện tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.

Tuy nhiên, nếu chứng từ chi tiền có ghi rõ tên Tổng giám đốc được trả thay chi phí cách ly thì phải khấu trừ thuế TNCN theo quy định tại tiết đ.3.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC.

  • Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế
  1. Năm 2020, tạm ngưng hoạt động dưới 9 tháng vẫn được trích khấu hao TSCĐ 

 Công văn số 12452/BTC-TCT ngày 9/10/2020 của Bộ Tài chính nêu rõ theo quy định tại điểm e khoản 2.2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, tài sản cố định phục vụ cho sản xuất mùa vụ nếu tạm dừng dưới 9 tháng thì vẫn được trích khấu hao.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (do thị trường sụt giảm) buộc phải tạm dừng hoạt động, nếu tạm dừng không quá 9 tháng thì Bộ Tài chính vẫn cho phép trích khấu hao, không phân biệt tài sản đó có phục vụ cho sản xuất mùa vụ hay không.

Kể từ tháng thứ 10, tài sản cố định cần hoạt động trở lại thì mới được hưởng chính sách trên.

  1. Thời điểm lập hóa đơn điện tử và mức phạt khi sai phạm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Thông tư 39/2014/TT-BTC, ngày lập hóa đơn bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao hàng cho người mua, bất kể chưa thu được tiền.

Trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm, tùy thuộc có ảnh hưởng đến thuế hay không, bên bán sẽ bị áp dụng các mức phạt khác nhau (Điều 11 Thông tư 10/2014/TT-BTC).

Cụ thể, nếu hóa đơn lập không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm nộp thuế và có tình tiết giảm nhẹ thì chỉ bị phạt cảnh cáo, không phạt tiền; nếu không có tình tiết giảm nhẹ thì bị phạt 4 triệu đồng.

Tuy nhiên, trường hợp lập hóa đơn không đúng thời điểm dẫn đến chậm nộp thuế thì bị phạt đến 8 triệu đồng.

Quy định xử phạt nêu trên được áp dụng cho đến khi Bộ Tài chính ban hành quy định xử phạt mới theo Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.

Nội dung trên được trích dẫn theo công văn số 91158/CT-TTHT ngày 15/10/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xử lý đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm quy định.

  1. Trước 1/7/2022, vẫn sử dụng hóa đơn thương mại khi xuất khẩu

Công văn số 100449/CTHN-TTHT ngày 19/11/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội trả lời về hóa đơn điện tử đối với hoạt động xuất khẩu như sau:

Khi phát sinh khoản thu từ hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn phát hành hóa đơn thương mại theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư 119/2014/TT-BTC, không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử.

 Tất cả các thông tin, phân tích hay bình luận trong những bản tin tóm tắt của AISC nhằm giới thiệu chung, không được xem là cung cấp dịch vụ hay đưa ra những tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ. AISC không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiệt hại do kết quả của việc người đọc dựa vào tài liệu này.

Trước khi thực hiện một hành động hoặc đưa ra một quyết định đầu tư liên quan đến vấn đề tài chính và hoạt động kinh doanh cá nhân, người sử dụng tài liệu này cần tham vấn ý kiến chuyên gia.