Nội dung chính:
- Các văn bản hướng dẫn về:
- Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”);
- Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)
- Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế
CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:
- Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”):
- Không khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi đủ điều kiện vẫn có thể bị xử phạt
Công văn số 1746/TCT-CS ngày 4/5/2020 của Tổng cục Thuế về thuế GTGT đầu vào hàng xuất khẩu. Theo nguyên tắc hạch toán chi phí tại Khoản 2.37 Điều 4 Thôngt ư số 96/2015/TT-BTC thì số thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ hoặc đã hoàn thì không được hạch toán vào chi phí tính thuế TNDN.
Cách hạch toán này có thể ảnh hưởng đến hàng xuất khẩu. Cụ thể, nếu thuế GTGT đầu vào của hàng xuất khẩu đủ điều kiện khẩu trừ nhưng Công ty không đưa vào khấu trừ mà lại hạch toán vào chi phí theo đó làm giảm số thuế TNDN phải nộp, khi thanh tra, cơ quan thuế sẽ xuất toán và truy thu thuế TNDN đồng thời xử phạt về hành vi kê khai sai.
Theo Tổng cục Thuế, sau khi doanh nghiệp chấp hành việc nộp đủ lại số thuế TNDN kể cả tiền phạt khai sai thì được kê khai bổ sung để điều chỉnh số thuế GTGT được khấu trừ
- Vận chuyển hàng trong khu PTQ được hưởng thuế GTGT 0%
Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC, các dịch vụ sau cung ứng trong khu PTQ không được hưởng thuế GTGT 0%: cho thuê nhà, hội trường, văn phòng, khách sạn, kho bãi; vận chuyển đưa đón người lao động và dịch vụ ăn uống.
Theo đó, về nguyên tắc, dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp trong khu PTQ nếu đáp ứng điều kiện tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC thì được hưởng thuế GTGT 0%.
- Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”):
- Trả hoa hồng môi giới, khấu trừ thuế TNCN như thế nào?
Công văn số 3450/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về thuế TNCN. Theo Cục thuế TP. HCM, “hoa hồng môi giới” thực chất là thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Theo đó, Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến (nếu chi trả hoa hồng môi giới cho người lao động trong Công ty) hoặc theo tỷ lệ 10% (nếu chi trả cho cá nhân bên ngoài).
- Bán vốn góp, cá nhân cư trú và không cư trú sẽ chịu thuế khác nhau
Công văn số 3530/CT-TTHT ngày 7/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về thuế TNCN về chuyển nhượng vốn. Tùy thuộc cá nhân phát sinh thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp là cá nhân cư trú hay không cư trú, việc kê khai nộp thuế sẽ khác nhau.
Nếu là cá nhân cư trú, sẽ chịu thuế chuyển nhượng vốn với thuế suất 20% trên thu nhập tính thuế, tức lợi nhuận sau khi trừ giá vốn và chi phí chuyển nhượng (khoản 1 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Ngược lại, nếu là cá nhân không cư trú, phải chịu thuế chuyển nhượng vốn theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng (chưa trừ giá vốn và chi phí chuyển nhượng) (Điều 20 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm hợp đồng chuyển nhượng vốn góp có hiệu lực.
- Mua bảo hiểm sức khỏe cho người lao động được miễn khấu trừ thuế TNCN
Công văn số 27683/CT-TTHT ngày 27/4/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thu nhập chịu thuế TNCN. Theo quy định tại điểm đ.2 khoản 3 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC, trường hợp Công ty mua gói bảo hiểm sức khỏe cho người lao động là loại không có tích lũy về phí bảo hiểm thì được miễn khấu trừ thuế TNCN.
- Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế
- Lãi tiền gửi ngân hàng được hưởng ưu đãi thuế theo địa bàn
Công văn số 26128/CT-TTHT ngày 22/4/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thu nhập hưởng ưu đãi thuế TNDN (2 trang)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư 96/2015/TT-BTCstatus2 , thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo địa bàn là toàn bộ thu nhập phát sinh trên địa bàn ưu đãi, chỉ trừ các khoản thu nhập từ: chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng BĐS, chuyển nhượng dự án, khai thác khoáng sản, kinh doanh dịch vụ chịu thuế TTĐB.
Theo đó, lãi tiền gửi ngân hàng nếu phát sinh trên địa bàn ưu đãi thì cũng được hưởng ưu đãi thuế.
- Chi phí phát sinh ở nước ngoài cho lô hàng xuất khẩu có được hạch toán?
Công văn số 3468/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về chính sách thuế TNDN. Theo Cục thuế TP. HCM, trường hợp Công ty thuê Công ty trong nước làm thủ tục nhập khẩu ở cảng nước ngoài cho lô hàng xuất khẩu thì Công ty đó phải phát hành hóa đơn để Công ty làm căn cứ hạch toán chi phí.
Đối với các khoản chi phí phát sinh tại nước ngoài nhờ chi hộ như thuế nhập khẩu, phí, lệ phí… nếu thuộc trách nhiệm chi trả của Công ty, có hóa đơn chứng từ phù hợp với nước sở tại và được dịch ra tiếng Việt theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 156/2013/TT-BTCstatus2 thì được chấp nhận hạch toán.
- Tiền nghỉ mát được hạch toán vào chi phí phúc lợi
Công văn số 3492/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về chi phí nghỉ mát . “Chi nghỉ mát” thuộc khoản chi có tính chất phúc lợi quy định tại điểm 2.30 khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC (sửa đổi tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).
Theo đó, trường hợp Công ty chi tiền nghỉ mát cho nhân viên theo đúng quy chế hoặc HĐLĐ và tổng số chi phúc lợi trong năm không quá 1 tháng lương bình quân thì được chấp nhận hạch toán.
- Kinh doanh hàng không chịu thuế, số thuế đầu vào được hạch toán vào chi phí
Công văn số 3500/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về chính sách thuế
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, trường hợp Công ty kinh doanh hàng hóa thuộc diện không chịu thuế GTGT thì không được kê khai khấu trừ số thuế đầu vào.
Tuy nhiên, số thuế đầu vào phát sinh sẽ được hạch toán vào chi phí hợp lý hoặc tính vào nguyên giá của tài sản cố định nếu đáp ứng các điều kiện về hóa đơn, chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Điều chỉnh MST trên hóa đơn điện tử như thế nào?
Công văn số 3497/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về hóa đơn điện tử. Theo Cục thuế TP. HCM, việc lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn điện tử ghi sai MST phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 32/2011/TT-BTC.
Theo đó, người bán và người mua phải lập văn bản thỏa thuận có chữ ký điện tử của cả hai bên để ghi rõ sai sót, đồng thời người bán xuất hóa đơn điện tử điều chỉnh.
- Mua phần mềm quản lý khách hàng từ nước ngoài phải nộp 10% thuế nhà thầu
Công văn số 3490/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về chính sách thuế. Theo Công văn này, trường hợp Công ty làm đại lý bán bảo hiểm cho các Công ty bảo hiểm Việt Nam, ngoài hoa hồng còn được nhận thêm phí hỗ trợ đại lý thì khoản phí hỗ trợ này phải trích nộp thuế GTGT 10%.
Trường hợp Công ty có mua phần mềm quản lý khách hàng của nước ngoài thì bên nước ngoài được xem là phát sinh thu nhập từ bản quyền tại Việt Nam nên phải trích nộp thuế TNDN nhà thầu (10% trên doanh thu), riêng thuế GTGT được miễn.
Công văn số 10335/CT-TTHT ngày 10/3/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc lập hóa đơn. Trường hợp Công ty có thỏa thuận chi trả hộ các chi phí mua vé máy bay, tiền khách sạn cho nhân viên được Công ty mẹ cử sang Việt Nam công tác thì trên các hóa đơn đầu vào phải do chính Công ty mẹ đứng tên. Khi thu lại tiền chi hộ, Công ty chỉ lập chứng từ thu, không phải lập hóa đơn và kê khai nộp thuế.
Trường hợp các nhà cung cấp đã phát hành hóa đơn theo tên Công ty thì cần đề nghị nhà cung cấp thu hồi và phát hành lại hóa đơn theo tên Công ty mẹ. Nếu nhà cung cấp không chịu thu hồi và phát hành lại thì Công ty phải lập hóa đơn và kê khai nộp thuế khi nhận lại tiền chi hộ.
- Hóa đơn không ghi đơn giá cụ thể phải xuất lại hoặc điều chỉnh
Công văn số 30305/CT-TTHT ngày 5/5/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội hướng dẫn tiêu thức đơn giá trên hóa đơn. Theo Công văn này, trường hợp hóa đơn được lập bằng máy tính mà tại tiêu thức “Đơn giá” ghi là “x” (tức không xác định được đơn giá cụ thể) thì phải thu hồi để xuất lại hoặc lập hóa đơn điều chỉnh theo quy định tại Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC.
- Hóa đơn bỏ sót được kê khai bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện ra
Theo quy định tại khoản 8 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC, đối với các hóa đơn đầu vào của các kỳ trước bị bỏ sót, Công ty được kê khai bổ sung tại kỳ tính thuế phát hiện ra, nhưng phải trước khi cơ quan thuế công bố quyết định kiểm tra, thanh tra.l
Việc hạch toán chi phí vào năm tài chính nào được căn cứ theo thực tế phát sinh, phù hợp với nguyên tắc kế toán và pháp luật về thuế TNDN.
- Kinh doanh lỗ, doanh nghiệp liên kết sẽ bị xuất toán toàn bộ chi phí lãi vay
Công văn số 10267/CT-TTHT ngày 9/3/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chi phí lãi vay được trừ theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CPstatus2 , doanh nghiệp nếu có phát sinh giao dịch liên kết thì chi phí lãi vay chỉ được hạch toán tối đa bằng 20% tổng lợi nhuận thuần cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ.
Theo Cục thuế TP. Hà Nội, hạn mức khống chế chi phí lãi vay nêu trên bao gồm cả chi phí lãi vay phát sinh từ các bên độc lập (không có quan hệ liên kết).
Ngoài ra, nếu tổng lợi nhuận thuần cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của doanh nghiệp nhỏ hơn 0 (tức bị lỗ, không có lợi nhuận) thì toàn bộ chi phí lãi vay trong kỳ của doanh nghiệp đều bị xuất toán.
- Thuê nhà của cá nhân không cần có hóa đơn
Công văn số 30300/CT-TTHT ngày 5/5/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xác định chi phí được trừ đối với khoản tiền thuê nhà. Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, điều kiện bắt buộc “thanh toán không dùng tiền mặt” chỉ áp dụng đối với các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ có hóa đơn thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên
Đối với trường hợp thuê nhà của cá nhân, doanh nghiệp chỉ cần căn cứ vào hợp đồng thuê nhà, chứng từ trả tiền thuê và chứng từ nộp thay thuế để hạch toán chi phí, không đòi hỏi phải có hóa đơn (khoản 2.5 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).
- Nhà hàng không được đính kèm bảng kê khi xuất HĐĐT
Công văn số 3447/CT-TTHT ngày 6/4/2020 của Cục Thuế TP. HCM về hóa đơn điện tử. Theo Cục thuế TP. HCM, các nhà hàng, khách sạn khi lập hóa đơn điện tử (HĐĐT) giao cho khách hàng thì trên hóa đơn phải có đầy đủ các chỉ tiêu quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC.
Đối với hóa đơn ăn uống nhà hàng, không được phép đính kèm bảng kê danh mục hàng hóa.