Nội dung chính:
- Các văn bản hướng dẫn về:
- Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”);
- Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”);
- Thuế Nhà thầu;
- Một số vấn đề khác.
CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:
- Thuế TNCN
- Tiền lương của giám đốc kiêm chủ công ty TNHH MTV có bị tính thuế TNCN?
Theo công văn số 13697/CT-TTHT ngày 29/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế đối với thu nhập của Giám đốc Công ty TNHH MTV có nêu rõ khoản tiền lương mà chủ sở hữu kiêm giám đốc công ty TNHH một thành viên nhận được do chính bản thân giám đốc chi trả không phải là thu nhập của người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, do đó không phải chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.
Tuy nhiên, toàn bộ tiền lương, tiền công và các khoản chi theo lương, kể cả khoản đóng bảo hiểm của giám đốc kiêm chủ công ty TNHH một thành viên đều không được hạch toán, cho dù có tham gia điều hành công ty (điểm d khoản 2.6 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).
- Chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần phải trích nộp thuế 0,1% giá bán.
Công văn số 1211/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế ngày 4/4/2019 trả lời về chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần như sau:
Theo Tổng cục Thuế, “cổ phiếu” là hình thức thể hiện “cổ phần” (Điều 120 Luật doanh nghiệp 68/2014/QH13), do đó, các cá nhân chuyển nhượng vốn trong công ty cổ phần theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán được xác định là thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán.
Khoản thu nhập này phải kê khai nộp thuế TNCN theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng (Điều 16, Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
- Điều động nhân viên của Chi nhánh về Công ty, khấu trừ thuế theo tỷ lệ hay lũy tiến?
Công văn số 26991/CT-TTHT ngày 26/4/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thuế TNCN có nếu rõ về quy định về các tính thuế TNCN khi điều động nhân viên của Chi nhánh về Công ty như sau:
Trường hợp Công ty điều động một số nhân viên từ Chi nhánh về trụ sở chính làm việc từ 3 tháng trở lên thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN “lũy tiến” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, kể cả nhân viên có HĐLĐ ở nhiều nơi.
Đối với các nhân viên điều động về trụ sở chính từ 3 tháng trở lên, được ủy quyền cho Công ty quyết toán thay thuế TNCN nếu không có thêm thu nhập ở nơi nào khác (điểm a.4 khoản 3 Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC).
Trường hợp Công ty có điều động nhân viên từ Chi nhánh về trụ sở chính làm việc ngắn hạn dưới 3 tháng thì thực hiện khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10% theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC. Các nhân viên này sẽ không được ủy quyền cho Công ty quyết toán thay thuế TNCN.
- Cách tính số thuế TNCN được giảm năm 2018 của người lao động trong khu kinh tế.
Công văn số 1285/TCT-DNNCN ngày 8/4/2019 của Tổng cục Thuế hướng dẫn cách tính số thuế TNCN được giảm khi quyết toán thuế năm 2018 đối với những người lao động làm việc tại khu kinh tế.
Theo công văn này kể từ 10/7/2018, người lao động làm việc trong khu kinh tế sẽ phải nộp đủ 100% thuế TNCN, không còn được giảm 50% thuế do Nghị định 82/2018/NĐ-CP đã bỏ chính sách này.
Như vậy, năm 2018, những người lao động làm việc trong khu kinh tế chỉ được giảm thuế TNCN từ ngày 1/1/2018 đến ngày 9/7/2018, giai đoạn sau đó không được giảm.
- Thuế GTGT
- Hàng giao ở nước ngoài cho Công ty trong nước vẫn được hưởng thuế GTGT 0%
Công văn số 7339/CT-TTHT ngày 25/2/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế GTGT có nêu:
Theo quy định tại Điều 9 Thông tư 219/2013/TT-BTC, trường hợp Công ty bán lại hàng hóa nhập khẩu cho Công ty trong nước với điều khoản giao hàng ở nước ngoài, không nhập về Việt Nam thì được hưởng thuế GTGT 0%.
Tuy nhiên, Công ty phải cung cấp được các tài liệu chứng minh việc giao hàng ở nước ngoài (như: hóa đơn thương mại, vận đơn, phiếu đóng gói, giấy chứng nhận xuất xứ…), hợp đồng mua hàng nhập khẩu, hợp đồng bán lại hàng nhập khẩu, chứng từ thanh toán cho bên bán và chứng từ nhận thanh toán từ bên mua.
Trường hợp Công ty nhập hàng về Việt Nam mới bán lại cho Công ty trong nước và giao hàng ở Việt Nam thì không được hưởng thuế GTGT 0%.
- Chuyển nhượng vốn góp chỉ được miễn thuế GTGT, thuế TNDN vẫn phải nộp.
Theo công văn số 8453/CT-TTHT ngày 6/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc tính thuế GTGT, thuế TNDN đối với chuyển nhượng vốn góp như sau:
“Chuyển nhượng vốn góp” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Điều 4 Thông tư 219/2013/TT-BTC).
Theo đó, khi Công ty chuyển nhượng phần vốn góp cho Công ty khác thì không phải khai nộp thuế GTGT. Trên hóa đơn chỉ ghi dòng giá bán là giá thanh toán, dòng thuế suất, số thuế GTGT không ghi và gạch bỏ.
Tuy nhiên, khoản thu từ chuyển nhượng vốn góp phải kê khai vào thu nhập khác và trích nộp thuế TNDN (Điều 14 Thông tư 78/2014/TT-BTC, Điều 8 Thông tư 96/2015/TT-BTC, Điều 16 Thông tư 151/2014/TT-BTC).
- Bán lại hàng nhập khẩu ngay tại cảng của Việt Nam không được hưởng thuế GTGT 0%.
Công văn số 2865/CT-TTHT ngày 18/1/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội nêu rõ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 209/2013/NĐ-CP, hàng hóa bán mà điểm giao, nhận hàng ở ngoài Việt Nam được hưởng thuế GTGT 0%.
Tuy nhiên, trường hợp Công ty nhập khẩu hàng hóa để bán lại cho Công ty khác và thỏa thuận giao hàng tại cảng biển Việt Nam thì chưa đủ cơ sở để xác định việc giao nhận hàng là ở ngoài Việt Nam nên chưa đáp ứng điều kiện hưởng thuế GTGT 0%.
- Thuế nhà thầu
- Nhập khẩu phần mềm kèm USB, tính thuế nhà thầu thế nào?
Công văn số 11232/CT-TTHT ngày 25/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế nhà thầu đối với hoạt động nhập khẩu phần mềm.
Trường hợp Công ty mua bản quyền phần mềm chứa trong USB từ Công ty nước ngoài thì phải khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu (thuế GTGT và thuế TNDN) theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.
Trong đó, giá trị bản quyền phần mềm được miễn tính thuế GTGT, nhưng phải tính nộp thuế TNDN 10%.
Giá trị USB phải tính nộp thuế GTGT 2% và tính nộp thuế TNDN 1%.
- Phí chuyển tiền ra nước ngoài phải chịu thuế nhà thầu
Công văn số 9343/CT-TTHT ngày 13/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chi phí chuyển khoản có hướng dẫn:
Trường hợp ngân hàng nước ngoài liên kết với ngân hàng Việt Nam cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho doanh nghiệp ở Việt Nam ra nước ngoài thì khoản phí chuyển tiền mà ngân hàng nước ngoài nhận được phải chịu thuế nhà thầu.
Ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu khi trích tiền từ tài khoản của khách hàng để trả phí dịch vụ cho ngân hàng nước ngoài.
Phía doanh nghiệp phát sinh phí chuyển tiền ra nước ngoài được tính vào chi phí hợp lý nếu khoản chi này liên quan đến hoạt động SXKD, có hóa đơn chứng từ (hoặc bản sao kê tài khoản của ngân hàng Việt Nam) và thanh toán chuyển khoản.
Đối với chi phí phát sinh tại nước ngoài, hồ sơ hạch toán cần phải phù hợp với quy định của nước sở tại và được dịch ra tiếng Việt (khoản 4 Điều 5 Thông tư 156/2013/TT-BTC).
- Một số vấn đề khác
- Trợ cấp thôi việc trả cao hơn luật: tính thuế TNCN nhưng không được hạch toán chi phí.
Công văn số 1352/TCT-DNNCN ngày 11/4/2019 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản trợ cấp cho nhân viên thôi việc cao hơn mức quy định.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC, trường hợp Công ty trợ cấp thôi việc cho người lao động cao hơn hạn mức luật định và chi trả sau khi đã chấm dứt HĐLĐ thì phải khấu trừ thuế TNCN 10%.
Phần chi trả trợ cấp thôi việc cao hơn hạn mức sẽ không được hạch toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Công văn số 26993/CT-TTHT ngày 26/4/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế đối với trường hợp cá nhân sử dụng nhà của công ty có nêu rõ:
Trường hợp Công ty mua căn hộ để Giám đốc, chuyên gia người nước ngoài ở, nếu tại HĐLĐ thỏa thuận tiền lương không bao gồm tiền nhà và Công ty chịu trách nhiệm bố trí chỗ ở cho Giám đốc, chuyên gia người nước ngoài trong thời gian công tác tại Việt Nam thì Công ty được trích khấu hao, tính vào chi phí hợp lý đối với căn hộnày (khoản 1 Điều 9 Thông tư 45/2013/TT-BTC.
Tuy nhiên, Giám đốc, chuyên gia người nước ngoài phải chịu thuế TNCN đối với khoản tiền nhà ở này, căn cứ vào chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác kèm theo (nếu có) tương ứng với thời gian Giám đốc, chuyên gia nước ngoài sử dụng nhà ở (khoản 2 Điều 11 Thông tư 92/2015/TT-BTC).