Bản tin pháp luật tháng 4/2019

Nội dung chính:

  • Các văn bản hướng dẫn về:
  • Thuế Nhà thầu
  • Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”);
  • Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế

 CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:

  • Thuế Nhà thầu
  1. Nhập khẩu phần mềm kèm USB, tính thuế nhà thầu thế nào?

Công văn số 11232/CT-TTHT ngày 25/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế nhà thầu đối với hoạt động nhập khẩu phần mềm (3 trang).

Trường hợp Công ty mua bản quyền phần mềm chứa trong USB từ Công ty nước ngoài thì phải khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu (thuế GTGT và thuế TNDN) theo quy định tại Thông tư 103/2014/TT-BTC.

Trong đó, giá trị bản quyền phần mềm được miễn tính thuế GTGT, nhưng phải tính nộp thuế TNDN 10%.

Giá trị USB phải tính nộp thuế GTGT 2% và tính nộp thuế TNDN 1%.

  • Thuế TNCN
  1. Bán căn hộ phải trích nộp 2% thuế TNCN

Công văn số 13409/CT-TTHT ngày 29/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc nộp thuế thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (3 trang).

Trường hợp cá nhân chuyển nhượng căn hộ chung cư cho doanh nghiệp, nếu không thuộc các trường hợp miễn thuế quy định tại Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì phải khai nộp thuế từ chuyển nhượng bất động sản theo khoản 5 Điều 2.

Mức thuế phải nộp bằng 2% giá chuyển nhượng căn hộ (Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC).

  1. Tiền lương của giám đốc kiêm chủ công ty MTV có bị tính thuế TNCN?

Công văn số 13697/CT-TTHT ngày 29/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế đối với thu nhập của Giám đốc Công ty TNHH MTV (2 trang).

Theo Cục thuế Hà Nội, khoản tiền lương mà chủ sở hữu kiêm giám đốc công ty TNHH một thành viên nhận được do chính bản thân giám đốc chi trả không phải là thu nhập của người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, do đó không phải chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.

Tuy nhiên, toàn bộ tiền lương, tiền công và các khoản chi theo lương, kể cả khoản đóng bảo hiểm của giám đốc kiêm chủ công ty TNHH một thành viên đều không được hạch toán, cho dù có tham gia điều hành công ty (điểm d khoản 2.6 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, tiền lương, tiền công chịu thuế TNCN là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động.

Điều 90 Bộ luật lao động số 10/2012/QH13 định nghĩa tiền lương như sau: “Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận”.

  1. Cho doanh nghiệp vay vốn, tiền lãi phải chịu thuế 5%

Công văn số 14091/CT-TTHT ngày 3/4/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về việc xác định thu nhập chịu thuế TNCN (2 trang).

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC, tiền lãi nhận được từ việc cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vay vốn phải chịu thuế đầu tư vốn (thuế TNCN) với thuế suất 5%.

Theo đó, trường hợp cá nhân cho doanh nghiệp vay tiền thì lãi tiền vay phát sinh phải chịu thuế đầu tư vốn 5% và không được hoàn lại.

  • Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế
  1. Doanh nghiệp liên kết bị khống chế cả lãi vay từ các bên độc lập

Công văn số 1261/TCT-DNL ngày 8/4/2019 của Tổng cục Thuế về việc trả lời vướng mắc trong việc áp dụng Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (2 trang).

Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết chỉ được hạch toán chi phí lãi vay không quá 20% tổng lợi nhuận thuần.

Cần biết rằng, hạn mức hạch toán chi phí lãi vay nêu trên được tính trên tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ, không phân biệt chi phí lãi vay phát sinh từ giao dịch với bên liên kết hay bên độc lập.

  1. Chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được chấp nhận tối đa 3 triệu đồng/tháng

Theo quy định tại khoản 3, Điều 3 Thông tư số 25/2018/TT-BTC ngày 16/3/2018 của Bộ Tài chính (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC) quy định về khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế như sau:

“2.11.Phần chi vượt mức 03 triệu đồng/tháng/người để: Trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; Phần vượt mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế để trích nộp các quỹ có tính chất an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm hưu trí bổ sung bắt buộc), quỹ bảo hiểm y tế và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Khoản chi trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, quỹ có tính chất an sinh xã hội, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động được tính vào chi phí được trừ ngoài việc không vượt mức quy định tại điểm này còn phải được ghi cụ thể Điều kiện hưởng và mức hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty, Tập đoàn; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty, Tổng công ty.

Doanh nghiệp không được tính vào chi phí đối với các Khoản chi cho Chương trình tự nguyện nêu trên nếu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động (kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc).”.

  1. Lãi của BĐS không được bù trừ với lỗ của SXKD

Công văn số 1191/TCT-CS ngày 3/4/2019 của Tổng cục Thuế về thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản (2 trang).

Điều 2 Thông tư 96/2015/TT-BTC cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ hoạt động sản xuất kinh doanh với lỗ từ kinh doanh bất động sản (BĐS), tuy nhiên không cho bù trừ chiều ngược lại – lãi từ kinh doanh BĐS với lỗ từ sản xuất kinh doanh.

Theo đó, trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi từ chuyển nhượng BĐS thì không được kê khai bù trừ với số lỗ từ sản xuất kinh doanh, toàn bộ tiền lãi từ chuyển nhượng BĐS phải tính nộp thuế TNDN.

  1. Phí chuyển tiền ra nước ngoài phải chịu thuế nhà thầu

Công văn số 9343/CT-TTHT ngày 13/3/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chi phí chuyển khoản (3 trang).

Trường hợp ngân hàng nước ngoài liên kết với ngân hàng Việt Nam cung cấp dịch vụ chuyển tiền cho doanh nghiệp ở Việt Nam ra nước ngoài thì khoản phí chuyển tiền mà ngân hàng nước ngoài nhận được phải chịu thuế nhà thầu.

Ngân hàng Việt Nam có trách nhiệm khấu trừ, nộp thay thuế nhà thầu khi trích tiền từ tài khoản của khách hàng để trả phí dịch vụ cho ngân hàng nước ngoài.

Phía doanh nghiệp phát sinh phí chuyển tiền ra nước ngoài được tính vào chi phí hợp lý nếu khoản chi này liên quan đến hoạt động SXKD, có hóa đơn chứng từ (hoặc bản sao kê tài khoản của ngân hàng Việt Nam) và thanh toán chuyển khoản.

Đối với chi phí phát sinh tại nước ngoài, hồ sơ hạch toán cần phải phù hợp với quy định của nước sở tại và được dịch ra tiếng Việt (khoản 4 Điều 5 Thông tư 156/2013/TT-BTC).

Gửi Bình Luận