Luật số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 của Quốc hội về Bộ Luật Lao động

Luật số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 của Quốc hội về Bộ Luật Lao động (83 trang)
So với Bộ Luật lao động (BLLĐ) hiện hành số 10/2012/QH13, Bộ Luật mới có rất nhiều thay đổi đáng chú ý.
Một trong số đó là quy định “người lao động không phải trả chi phí cho việc tuyển dụng lao động” (khoản 2 Điều 11). Điều này có nghĩa, Bộ luật mới nghiêm cấm các công ty, doanh nghiệp thu phí tuyển dụng.
Ngoài tên gọi là “Hợp đồng lao động”, doanh nghiệp và người lao động có thể thỏa thuận ký hợp đồng theo tên gọi khác, miễn sao trong hợp đồng thể hiện đầy đủ các nội dung về việc làm có trả lương, sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên (khoản 1 Điều 13).
Về hình thức hợp đồng, có thể ký hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử. Đối với hình thức giao kết bằng lời nói, nay chỉ còn cho phép đối với hợp đồng dưới 1 tháng, thay vì trước đây là dưới 3 tháng (khoản 1, 2 Điều 14).
Về thời gian thử việc, Bộ Luật mới cho phép tăng thời gian thử việc tối đa lên 180 ngày (trước đó chỉ 60 ngày) đối với các chức danh quản lý doanh nghiệp (Điều 25).
Điểm đáng lưu ý nữa của Bộ Luật mới là cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng (thôi việc) mà không cần lý do, chỉ cần tuân thủ đúng thời hạn báo trước (Điều 35).
Ngoài ra, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng theo lộ trình như sau: từ 60 lên 60 tuổi 3 tháng (đối với nam) và từ 55 lên 55 tuổi 4 tháng (đối với nữ), áp dụng từ năm 2021 và sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng (cho nam) và 4 tháng (cho nữ). Đến năm 2028, tuổi nghỉ hưu của nam sẽ là 62 và đến 2035 tuổi nghỉ hưu của nữ sẽ là 60 (Điều 169).
Bộ Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021 và thay thế Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012.
Bộ Luật đồng thời có sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014 (đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015 và Luật số 35/2018/QH14 ngày 20/11/2018); Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 ngày 25/11/2015.

Gửi Bình Luận