Bản tin pháp luật tháng 7/2020

  • Các văn bản hướng dẫn về:
  • Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”);
  • Thuế Giá trị gia tăng (“GTGT”);
  • Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”);
  • Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế

CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:

Thuế TNDN

 1.Quyết toán lại chi phí lãi vay theo ngưỡng khống chế mới.

Công văn số 2835/TCT-TTKT ngày 14/7/2020 của Tổng cục Thuế hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 68/2020/NĐ-CP. Theo đó, đối với các quyết toán thuế TNDN của năm 2017 và 2018:

– Được phép tính lại chi phí lãi vay của năm hiện hành với ngưỡng 30% thay vì 20%, nhưng phải áp dụng phương pháp tính chi phí lãi vay thuần, tức lãi vay phải trừ đi lãi tiền gởi và lãi cho vay (nếu có)

– Chỉ tính cho lãi vay của năm hiện hành, không bao gồm chi phí lãi vay được chuyển tiếp

– Các đối tượng được miễn khống chế chi phí lãi vay quy định tại điểm c Điều 1 Nghị định số 68/2020/NĐ-CP phải chờ đến năm 2019 mới áp dụng

Về chênh lệch thừa thếu TNDN phát sinh (nếu có):

Số thuế phát sinh do điều chỉnh lại quy định hồi tố này sẽ được bù trừ cho số thuế TNDN phải nộp trong năm 2020, nếu không hết thì bù trừ tiếp trong vòng 5 năm

Quyết toán thuế TNDN của các năm 2017, 2018 nếu đã được cơ quan thuế thanh tra thì doanh nghiệp phải làm đơn đề nghị xác định lại số thuế TNDN phải nộp, sau đó mới được bù trừ.

Thuế Nhà Thầu

  1. Mua dịch vụ tại Việt Nam vẫn bị tính thuế nhà thầu nếu thu lợi qua bên thứ ba.

Công văn số 2570/TCT-CS ngày 23/6/2020 của Tổng cục Thuế về thuế nhà thầu thì nếu trường hợp một Công ty ở nước ngoài mua dịch vụ tại Việt Nam để cung cấp cho khách hàng của họ như là một tiện ích dành cho thành viên thì tùy thuộc vào nguyên tắc thụ hưởng của thành viên, cơ quan thuế sẽ xác định có hay không chịu thuế nhà thầu.

Mặc dù thuế nhà thầu chỉ áp dụng trong trường hợp bên nước ngoài (là bên bán hàng hóa/dịch vụ) có phát sinh thu nhập tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp này, với tư cách là bên mua dịch vụ, họ vẫn có thể bị tính thuế nhà thầu nếu dịch vụ mà họ mua mang lại doanh thu thông qua bên thứ ba.

Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế

  1. Liên quan đến hóa đơn điện tử.

Tại Công văn số 2580/TCT-CS ngày 23/6/2020 của Tổng cục Thuế thì trước ngày 1/11/2020,chỉ sau khi đáp ứng được các điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì cơ quan Thuế mới tiến hành thông báo cho các doanh nghiệp chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử loại mới theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 119/2018/NĐ-CP.

Như vậy, nếu cơ quan Thuế địa phương chưa có thông báo yêu cầu chuyển đổi loại hóa đơn thì doanh nghiệp tại địa phương đó vẫn tiếp tục áp dụng các quy định hiện hành về hóa đơn được quy định tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC (hóa đơn giấy) và Thông tư 32/2011/TT-BTC (hóa đơn điện tử).

  1. Tài sản phục vụ cho hoạt động không chịu thuế GTGT khi thanh lý vẫn bị tính thuế GTGT.

Tại Công văn số 2741/TCT-CS ngày 3/7/2020 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế GTGT, ví dụ dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT (Khoản 16 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC), do đó thuế GTGT đầu vào liên quan đến hoạt động này (như mua sắm xe buýt chẳng hạn) chỉ được hạch toán vào chi phí chứ không được khấu trừ (Khoản 7 Điều 14 Thông tư 219/2013/TT-BTC). Tuy nhiên, khi bán thanh lý xe buýt, sẽ phải phát hành hóa đơn GTGT có thuế suất, phải nộp thuế GTGT và không được bù trừ với số thuế GTGT đầu vào của chiếc xe này.

 Tất cả các thông tin, phân tích hay bình luận trong những bản tin tóm tắt của AISC nhằm giới thiệu chung, không được xem là cung cấp dịch vụ hay đưa ra những tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ. AISC không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiệt hại do kết quả của việc người đọc dựa vào tài liệu này.

Trước khi thực hiện một hành động hoặc đưa ra một quyết định đầu tư liên quan đến vấn đề tài chính và hoạt động kinh doanh cá nhân, người sử dụng tài liệu này cần tham vấn ý kiến chuyên gia.