Bản tin pháp luật tháng 10/2020

Nội dung chính:

  • Các văn bản hướng dẫn về:
  • Thuế Thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”);
  • Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”)
  • Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế

CÁC VĂN BẢN HƯỚNG DẪN:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (“TNDN”):
  1. Quyết định cử đi công tác có thể lập bằng phần mềm thay cho bản giấy

Công văn số 3868/TCT-CS ngày 10/10/2018 của Tổng cục Thuế về việc hạch toán chi phí nhân viên đi công tác.

Đối với quyết định cử đi công tác, Tổng cục Thuế cho biết sẽ chấp thuận cả quyết định lập bằng hình thức điện tử (lập trên hệ thống phần mềm của doanh nghiệp) khi hạch toán chi phí.

Tuy nhiên, doanh nghiệp phải in quyết định cử đi công tác từ hệ thống và lưu trữ trong hồ sơ thanh toán công tác phí.

Tham khảo khoản 2.9 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC để biết rõ hơn điều kiện hạch toán công tác phí.

  1. Năm 2020, tạm ngưng hoạt động dưới 9 tháng vẫn được trích khấu hao TSCĐ

Công văn số 12452/BTC-TCT ngày 9/10/2020 của Bộ Tài chính về chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Theo quy định tại điểm e khoản 2.2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC , tài sản cố định phục vụ cho sản xuất mùa vụ nếu tạm dừng dưới 9 tháng thì vẫn được trích khấu hao.

Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (do thị trường sụt giảm) buộc phải tạm dừng hoạt động, nếu tạm dừng không quá 9 tháng thì Bộ Tài chính vẫn cho phép trích khấu hao, không phân biệt tài sản đó có phục vụ cho sản xuất mùa vụ hay không.

Kể từ tháng thứ 10, tài sản cố định cần hoạt động trở lại thì mới được hưởng chính sách trên

  • Thuế Thu nhập cá nhân (“TNCN”):
  1. Nhầm lẫn trách nhiệm khai thuế TNCN giữa Công ty và Chi nhánh sẽ phải khai lại

Công văn số 4076/TCT-DNNCN ngày 29/9/2020 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNCN.

Trường hợp Công ty trực tiếp trả lương cho nhân viên tại Chi nhánh thì trách nhiệm khấu trừ, khai nộp thuế, quyết toán thuế TNCN đều thuộc về Công ty, không phải Chi nhánh.

Nếu Chi nhánh đã lỡ khấu trừ, khai nộp thuế TNCN (thay vì Công ty) thì cả hai phải điều chỉnh hồ sơ khai thuế TNCN theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC

Sau khi khai bổ sung, nếu toàn bộ tiền lương của nhân viên tại Chi nhánh đều do Công ty chi trả, Chi nhánh không trả lương thì Chi nhánh được miễn khai quyết toán (Điều 21 Thông tư 92/2015/TT-BTC). Số thuế TNCN Chi nhánh đã lỡ khai nộp được coi là nộp thừa và được xử lý theo Điều 33 Thông tư 156/2013/TT-BTC

Tuy nhiên, trường hợp Chi nhánh có chi trả lương cho nhân viên thì cuối năm Chi nhánh phải khai quyết toán thuế, số thuế TNCN nộp thừa sau khi quyết toán cũng được xử lý theo Điều 33 Thông tư 156/2013/TT-BTC nêu trên.

  1. Chưa có chính sách về thuế TNCN do ảnh hưởng đại dịch COVID-19

Công văn số 85111/CT-TTHT ngày 22/9/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thuế TNCN

Trả lời vấn đề về thuế TNCN do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Cục Thuế Tp. Hà Nội cho rằng sẽ thông tin cho các doanh nghiệp được biết khi Nhà nước có quy định về thu nhập chịu thuế TNCN trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Điều này được hiểu là tính đến thời điểm này, vẫn chưa có chính sách hay dự thảo chính sách về thuế TNCN liên quan đến COVID.

Hiện đang có chính sách ân hạn nộp thuế GTGT và tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; giảm 30% thuế TNDN cho doanh nghiệp có doanh thu năm 2020 dưới 200 tỷ đồng (Nghị định số 114/2020/NĐ-CP )

  • Các vấn đề liên quan khác về chính sách thuế
  1. Quy định mới về hóa đơn điện tử: cho phép hóa đơn giấy tồn tại đến 30/6/2022

Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ Quy định về hóa đơn chứng từ.

Các Nghị định về hóa đơn giấy và hóa đơn điện tử loại cũ gồm Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2022.

Nghị định 119/2018/NĐ-CP vẫn không bị bãi bỏ, chỉ gỡ bỏ 2 điều khoản gồm Khoản 2 và Khoản 4 Điều 35 liên quan đến hiệu lực của Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP.

Tương tự như Nghị định 119/2018/NĐ-CP, quy định về chuyển tiếp của Nghị định này cũng cho rằng trong khoảng thời gian từ nay đến trước ngày 30/6/2020, nếu cơ quan Thuế buộc đơn vị nào sử dụng hóa đơn điện tử loại mới thì đơn vị đó sẽ phải áp dụng.

Các doanh nghiệp mới thành lập trong giai đoạn từ nay đến trước 30/6/2022, nếu cơ quan Thuế không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử loại mới thì vẫn có thể sử dụng hóa đơn điện tử loại cũ hoặc hóa đơn giấy tự in như trước đây.

  1. Thuế nộp nhầm được xử lý như thuế nộp thừa

Công văn số 3867/TCT-KK ngày 16/9/2020 của Tổng cục Thuế về việc xử lý số tiền thuế GTGT đã nộp.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 33 Thông tư 156/2013/TT-BTC, một khoản thuế nộp thừa sẽ không được hoàn trả lại ngay. Thay vào đó, sẽ xử lý theo thứ tự sau:

  1. Bù trừ tự động với nợ thuế, nợ phạt hoặc số thuế phải nộp của cùng loại thuế
  2. Bù trừ tự động với số thuế phải nộp của lần tiếp theo
  3. Sau 6 tháng tính từ ngày nộp thừa, nếu không phát sinh thêm số thuế phải nộp thì được xét hoàn. Dĩ nhiên nếu có thì tiếp tục bù trừ

Tại Công văn này, với trường hợp nộp nhầm thuế GTGT, Tổng cục Thuế vẫn hướng dẫn xử lý theo phương án của thuế nộp thừa.

Theo đó, sẽ không có ngoại lệ về hoàn thuế cho những trường hợp vô ý nộp nhầm thuế như lỗi đánh máy chẳng hạn.

  1. Quy định về chính sách thuế và khai nộp thuế

Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế.

Nghị định thay mới các quy định về đăng ký thuế, khai nộp thuế, chính sách miễn giảm, xóa, khoanh nợ thuế và cưỡng chế thuế, gồm cả biểu mẫu, hồ sơ khai nộp thuế của từng sắc thuế.

Theo Nghị định này, doanh nghiệp nếu bị thiệt hại vật chất vì các lý do chiến tranh, bạo loạn, đình công thì cũng được coi là bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng. Theo đó, sẽ được xem xét gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp, miễn tiền xử phạt thuế (Điều 3).

Các trường hợp sau đây được miễn nộp hồ sơ khai thuế: chỉ có hoạt động kinh doanh thuộc diện không chịu thuế; cá nhân có thu nhập được miễn thuế; DNCX chỉ có hoạt động xuất khẩu (được miễn nộp hồ sơ khai thuế GTGT); tạm ngừng hoạt động kinh doanh; đã đóng MST (khoản 3 Điều 7).

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020. Tuy nhiên, chính sách miễn, giảm, xóa nợ thuế tại Nghị định này được áp dụng từ 1/7/2020.

  1. Quy định mới về xử phạt thuế và hóa đơn

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

Nghị định này thay mới các quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn, trừ: vi phạm về phí, lệ phí; vi phạm thuế đối với hàng hóa XNK do cơ quan hải quan thu và vi phạm về thủ tục đăng ký thuế, thông báo tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh thực hiện cùng với đăng ký doanh nghiệp.

So với hiện hành, mức phạt tối đa trong lĩnh vực thuế và hóa đơn không thay đổi. Cụ thể, lĩnh vực thuế vẫn là 200 triệu (đối với tổ chức) và 100 triệu (đối với cá nhân), lĩnh vực hóa đơn vẫn là 100 triệu (tổ chức) và 50 triệu (cá nhân).

Tuy nhiên, Nghị định có bổ sung một số hành vi mới bị cho là “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp”, như: sử dụng HĐĐT không đăng ký với cơ quan thuế; sử dụng HĐĐT chưa có mã của cơ quan thuế theo quy định; sử dụng hóa đơn có ngày lập từ sau ngày cơ quan thuế xác định bên bán bỏ địa chỉ kinh doanh… (Điều 4).

  1. Một số hành vi sau thì bị cho là “sử dụng không hợp pháp hóa đơn”: sử dụng hóa đơn không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc; hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị HHDV hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên (Điều 4).

Nếu vi phạm về thuế với số tiền thuế thiếu, thuế trốn hoặc tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn từ 100 triệu đồng trở lên hoặc giá trị HHDV bị vi phạm từ 500 triệu đồng trở lên thì bị coi là vi phạm với quy mô lớn (Điều 6).

Đối với vi phạm về hóa đơn, sẽ bị cho là vi phạm với quy mô lớn nếu vi phạm từ 10 số hóa đơn trở lên (Điều 6).

Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020.

 Tất cả các thông tin, phân tích hay bình luận trong những bản tin tóm tắt của AISC nhằm giới thiệu chung, không được xem là cung cấp dịch vụ hay đưa ra những tư vấn về chuyên môn, nghiệp vụ. AISC không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiệt hại do kết quả của việc người đọc dựa vào tài liệu này.

Trước khi thực hiện một hành động hoặc đưa ra một quyết định đầu tư liên quan đến vấn đề tài chính và hoạt động kinh doanh cá nhân, người sử dụng tài liệu này cần tham vấn ý kiến chuyên gia.